`

 

PVLC Mùa Thường Niên Tuần XXXI Thứ 6


 

Bài Ðọc I: (Năm I) Rm 15, 14-21

 

"Tôi là người giúp việc của Ðức Giêsu Kitô nơi các người Dân ngoại để của lễ Dân ngoại được Chúa chấp nhận".

 

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.

 

Anh em thân mến, phần tôi, tôi tin chắc rằng anh em có đầy thiện cảm, và đầy mọi sự hiểu biết, cho nên anh em có thể khuyên bảo lẫn nhau. Nhưng tôi đã viết thư này cho anh em có phần khá bạo dạn, có ý nhắc nhủ anh em nhớ lại: nhờ ân sủng Thiên Chúa đã ban cho tôi trở nên người giúp việc của Ðức Giêsu Kitô nơi các Dân ngoại, gánh lấy thiên chức rao giảng Tin Mừng, ngõ hầu của lễ Dân ngoại được chấp nhận và được thánh hoá trong Thánh Thần.

 

Bởi vậy trong Ðức Giêsu Kitô, tôi có thể tự hào trước mặt Thiên Chúa. Vì chưng tôi không dám nói điều gì ngoài việc Ðức Kitô dùng tôi làm cho dân ngoại vâng phục, bằng ngôn ngữ cũng như bằng hành động, nhờ những phép lạ, những việc phi thường và quyền lực của Thánh Thần. Bởi thế, từ Giêrusalem và miền chung quanh cho đến Illyricô, tôi đã rao giảng đầy đủ Tin Mừng của Ðức Kitô.

 

Như thế, tôi đã rao giảng Tin Mừng này, không phải ở những nơi đã kêu cầu danh Ðức Kitô, để tránh khỏi xây dựng trên nền móng kẻ khác đã đặt, nhưng tôi hành động như lời đã chép: "Những ai chưa hề nghe loan báo về Người, thì sẽ xem thấy Người; và những ai chưa hề nghe nói về Người, thì sẽ hiểu biết Người".

 

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 97, 1. 2-3ab. 3cd-4

 

Ðáp: Chúa đã công bố ơn cứu độ của Người trước mặt chư dân (x. c. 2b).

 

Xướng: 1) Hãy ca mừng Chúa một bài ca mới, vì Người đã làm nên những điều huyền diệu. Tay hữu Người đã tạo cho Người cuộc chiến thắng, cùng với cánh tay thánh thiện của Người. - Ðáp.

 

2) Chúa đã công bố ơn cứu độ của Người, trước mặt chư dân, Người tỏ rõ đức công minh. Người đã nhớ lại lòng nhân hậu và trung thành, để sủng ái nhà Israel. - Ðáp.

 

3) Khắp nơi bờ cõi địa cầu đã nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta. Toàn thể địa cầu hãy reo mừng Chúa, hãy hoan hỉ, mừng vui và đàn ca. - Ðáp.

 

Alleluia: Pl 2, 15-16

 

Alleluia, alleluia! - Anh em hãy tích trữ lời ban sự sống, anh em hãy chiếu sáng như những vì sao ở giữa thế gian. - Alleluia.

 

Phúc Âm: Lc 16, 1-8

 

"Con cái đời này khi đối xử với đồng loại thì khôn khéo hơn con cái sự sáng".

 

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

 

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Một người phú hộ kia có một người quản lý; và người này bị tố cáo đã phung phí của chủ. Ông chủ gọi người quản lý đến và bảo rằng: "Tôi nghe nói anh sao đó. Anh hãy tính sổ công việc quản lý của anh, vì từ nay anh không thể làm quản lý nữa". Người quản lý thầm nghĩ rằng: "Tôi phải làm thế nào, vì chủ tôi cất chức quản lý của tôi? Cuốc đất thì không nổi, ăn mày thì hổ ngươi. Tôi biết phải liệu thế nào để khi mất chức quản lý thì sẽ có người đón tiếp tôi về nhà họ".

 

"Vậy anh gọi từng con nợ của chủ đến và hỏi người thứ nhất rằng: "Anh mắc nợ chủ tôi bao nhiêu?" Người ấy đáp: "Một trăm thùng dầu". Anh bảo người ấy rằng: "Anh hãy lấy văn tự, ngồi xuống mau mà viết lại năm mươi". Rồi anh hỏi người khác rằng: "Còn anh, anh mắc nợ bao nhiêu?" Người ấy đáp: "Một trăm giạ lúa miến". Anh bảo người ấy rằng: "Anh hãy lấy văn tự mà viết lại: tám mươi".

 

"Và chủ khen người quản lý bất lương đó đã hành động cách khôn khéo: vì con cái đời này, khi đối xử với đồng loại, thì khôn khéo hơn con cái sự sáng".

 

Ðó là lời Chúa.

 

 

 

Chia sẻ Lời Chúa:

sự sống khôn khéo

 

Hôm nay, Thứ Sáu Tuần XXXI Thường Niên, Bài Phúc Âm không tiếp ngay sau Bài Phúc Âm hôm qua là bài Phúc Âm về việc tìm kiếm con chiên lạc và đồng bạc bị thất lạc. 

 

Sau 2 dụ ngôn này là dụ ngôn về người cha nhân lành thương 2 người con đáng thương của mình tùy theo hoàn cảnh của mỗi đứa, nhưng lại không được Giáo Hội chọn đọc, mà lại chọn đọc Bài Phúc Âm ở đầu Đoạn 16 về người quản lý bất lương bị chủ báo cho nghỉ việc nên đang mưu toan tìm cách sống còn. 

 

Người quản lý bất lương bị chủ báo cho nghỉ việc: "Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: 'Một người phú hộ kia có một người quản lý; và người này bị tố cáo đã phung phí của chủ. Ông chủ gọi người quản lý đến và bảo rằng: Tôi nghe nói anh sao đó. Anh hãy tính sổ công việc quản lý của anh, vì từ nay anh không thể làm quản lý nữa'". 

 

Người quản lý bất lương đang mưu toan tìm cách sống còn: "Người quản lý thầm nghĩ rằng: 'Tôi phải làm thế nào, vì chủ tôi cất chức quản lý của tôi? Cuốc đất thì không nổi, ăn mày thì hổ ngươi. Tôi biết phải liệu thế nào để khi mất chức quản lý thì sẽ có người đón tiếp tôi về nhà họ'. Vậy anh gọi từng con nợ của chủ đến và hỏi người thứ nhất rằng: 'Anh mắc nợ chủ tôi bao nhiêu?' Người ấy đáp: 'Một trăm thùng dầu'. Anh bảo người ấy rằng: 'Anh hãy lấy văn tự, ngồi xuống mau mà viết lại năm mươi'. Rồi anh hỏi người khác rằng: 'Còn anh, anh mắc nợ bao nhiêu?' Người ấy đáp: 'Một trăm giạ lúa miến'. Anh bảo người ấy rằng: 'Anh hãy lấy văn tự mà viết lại: tám mươi'".


Mục đích của dụ ngôn này là gì, hay Chúa Giêsu muốn nói đến dụ ngôn này để làm gì, nếu không phải Người muốn khuyên "các môn đệ" là đối tượng được Người nói với trong bài Phúc Âm hôm nay, như câu Người kết luận cũng trong cùng Bài Phúc Âm rằng các vị là "con cái ánh sáng" thì ngây thơ khù khờ, cần phải "hành động cách khôn khéo... khi đối xử với đồng loại" như "con cái đời này" vậy!

 

"Người quản lý bất lương" này "khôn khéo" ở chỗ nào, nếu không phải ở chỗ anh ta chẳng những đánh lừa được chủ nợi mà cả con nợ của chủ nợ nữa. Bằng cách, anh ta đã biến các con nợ của chủ thành con nợ của mình, khi tự động giảm nợ cho các con nợ số nợ của họ với chủ nợ. 

Có thể các con nợ cũng biết rằng người quản lý này gian lận ở việc anh ta giảm nợ cho họ, nhưng dầu sao cũng vẫn có lợi cho họ thì họ vẫn cứ hướng chứ dại gì mà vạch trần việc làm gian lận của anh ta làm chi với chủ của anh ta, hoàn toàn không hề biết gì đến tình trạng sắp bị thất nghiệp của anh ta, một con người quen làm nghề quản lý, chứ không quen làm việc tay chân mệt nhọc phần xác hay chẳng làm gì mà vẫn có tiền như ngồi ăn xin xấu hổ mất mặt. 

 

Thế nhưng, cho tới khi anh ta bị thất nghiệp, đi lang thang kiếm sống, ghé vào các nhà con nợ đã được anh ta giảm nợ cho để xin giúp đỡ, thì chẳng lẽ những người ấy lại phũ phàng từ chối xua đuổi anh ta hay sao? Bấy giờ cho dù họ mới biết bị anh ta lừa đảo song đã muộn và không thể không giúp anh ta cách nào đó, không nhiều thì ít, không trước thì sau, miễn là đừng hoài hoài mãi mãi. 

 

Chắc chủ nợ của anh ta có nhiều con nợ đã được/bị anh ta lạm dụng ban ơn giảm nợ cho, nên anh ta cứ tháng này đến nhà người này, tháng sau đến nhà người khác gõ cửa, và anh ta ăn xin một cách ngon lành, không xấu hổ, vì anh ta là ân nhân của các con nợ từ người chủ đã sa thải anh ta. Thật là "khôn khéo", đúng như người chủ nhận xét về anh ta ở cuối bài Phúc Âm hôm nay.   

 

Như thế phải chăng Chúa Giêsu đã chấp nhận cái khôn lanh trần gian có vẻ gian dối lừa đảo của người quản lý bất lương trong dụ ngôn là tốt, đáng các môn đệ của Người noi gương bắt chước. Vì Chúa Kitô "là sự thật" (Gioan 14:6) nên Người không thể nào hợp với những gì là gian dối lừa đảo, và vì Người "là ánh sáng thế gian" (Gioan 8:12) nên Người không chấp nhận bóng tối. 

 

Bởi vậy, Người không khuyên các môn đệ bắt chước đường lối gian manh của người quản lý bất lương, mà chỉ khuyên các vị hãy bắt chước ước muốn lành mạnh của nhân vật này để khôn khéo làm sao có thể sống sót qua cơn gian nan khốn khó mà thôi: "phải liệu thế nào để khi mất chức quản lý thì sẽ có người đón tiếp tôi về nhà họ". 

 

Thật ra, theo luân lý Công giáo (xem Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo các khoản 1755-1756), một việc tốt cần phải hội đủ ba điều kiện bất khả thiếu, đó là, thứ nhất việc làm tự bản chất là tốt, thứ hai là phải có ý hướng tốt khi làm việc ấy, và thứ ba là làm việc ấy một cách thích đáng. 

 

Chẳng hạn, đi làm việc tông đồ tự nó là việc làm tốt, với ý hướng chính yếu là để giúp cho giáo xứ hay cộng đoàn dân Chúa của mình thêm sinh động và thăng tiến, thế nhưng, nếu làm việc tông đồ này đến độ bỏ bê trách nhiệm trong gia đình thì việc tông đồ ấy không tốt nữa. 

 

Hay làm việc tông đồ này khi nào có thể nhưng với ý hướng lợi dụng việc tông đồ để quen biết mà trục lợi trong vấn đề làm ăn tư riêng cũng không tốt. Nếu chính việc làm tự bản chất là xấu, chẳng hạn việc trộm cắp, cho dù để giúp người nghèo thì việc trộm cắp cũng không thể trở thành việc tốt v.v. 

 

Con người dù có ý tốt đến đâu cũng không thể nào biến một việc tự bản chất là xấu thành lành. Chẳng hạn nguyên tổ Eva dù có ý muốn chính đáng và tốt lành là nên giống như Thiên Chúa, vì con người được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa và xu hướng về lý tưởng nên giống như Ngài, thế nhưng cách thức để đạt tới đích điểm ấy, đạt được ý hướng ấy lại không tốt, ở chỗ bất tuân ý Chúa bằng cách nghe theo rắn quỉ ăn trái cấm không được phép, thì việc làm của bà bấy giờ là xấu, tội lỗi.

 

Việc làm cho người quản lý bất lương trong dụ ngôn của Bài Phúc Âm hôm nay, cho dù có ý hướng tốt là làm sao có thể sống còn, nhưng cách làm của nhân vật này lại có tính cách dối trá, gian lận của chủ (và cũng chính vì máu "phung phí" như thế mà hắn đã bị sa thải), nên việc làm của hắn trở thành xấu xa. Giá hắn đến xin chủ thương tình để hắn sửa mình và đền bù những gì hắn đã phung phí cho chủ, hoặc xin chủ cho làm việc khác nhẹ nhàng mà không dính dáng gì đến tiền bạc có phải hơn không). 
 

Trái hẳn với "Người quản lý bất lương" trong bài Phúc Âm hôm nay chính là vị tông đồ dân ngoại Phaolô, một con người "nhờ ân sủng Thiên Chúa đã ban cho trở nên người giúp việc của Ðức Giêsu Kitô nơi các Dân ngoại, gánh lấy thiên chức rao giảng Tin Mừng, ngõ hầu của lễ Dân ngoại được chấp nhận và được thánh hoá trong Thánh Thần. Bởi vậy trong Ðức Giêsu Kitô, tôi có thể tự hào trước mặt Thiên Chúa. Vì chưng tôi không dám nói điều gì ngoài việc Ðức Kitô dùng tôi làm cho dân ngoại vâng phục, bằng ngôn ngữ cũng như bằng hành động, nhờ những phép lạ, những việc phi thường và quyền lực của Thánh Thần. Bởi thế, từ Giêrusalem và miền chung quanh cho đến Illyricô, tôi đã rao giảng đầy đủ Tin Mừng của Ðức Kitô".

 

Thánh Vịnh 97 ở Bài Đáp Ca hôm nay thật là xứng hợp với sứ vụ tông đồ dân ngoại của Thánh Phaolô:

 

1) Hãy ca mừng Chúa một bài ca mới, vì Người đã làm nên những điều huyền diệu. Tay hữu Người đã tạo cho Người cuộc chiến thắng, cùng với cánh tay thánh thiện của Người.

 

2) Chúa đã công bố ơn cứu độ của Người, trước mặt chư dân, Người tỏ rõ đức công minh. Người đã nhớ lại lòng nhân hậu và trung thành, để sủng ái nhà Israel.

 

3) Khắp nơi bờ cõi địa cầu đã nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta. Toàn thể địa cầu hãy reo mừng Chúa, hãy hoan hỉ, mừng vui và đàn ca.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL. Nếu có thể xin nghe chia sẻ theo cảm hứng hơn là đọc lại bài chia sẻ trên
 

TN.XXXIL-6.mp3

 

 https://youtu.be/T4_PxLPxE0I